Quốc hội Anh đang có những biện pháp thắt chặt vấn đề hao phí tài nguyên và những tác hại đến môi trường của ngành công nghiệp thời trang nhanh.
Thời gian gần đây, các nghị sĩ của Quốc hội Anh đang tăng cường điều tra tác động của thời trang nhanh (fast fashion) bởi những lo ngại trong bối cảnh môi trường bị tàn phá nặng nề và các nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá bị khai thác vô độ từ ngành công nghiệp ngàn tỉ bảng Anh.
Thời trang nhanh bắt đầu bùng nổ vào những năm 1960 khi các hãng ra đời với mô hình sản xuất hàng loạt để phục vụ cho giới trẻ, những người bắt đầu chuộng quần áo giá bình dân để theo kịp xu hướng thay vì những thiết kế xa xỉ được may đo kỹ lưỡng như các thời kỳ trước đó.
Đúng với tên gọi, thời trang nhanh mang đến lượng lớn quần áo mới với tốc độ vô cùng nhanh đi kèm chi phí thấp và chỉ tập trung vào những xu hướng mới nhất trên thị trường thay vì chất lượng. (Ảnh: The Amaranta)
Điều đó cũng đồng nghĩa với tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh sống do áp lực cắt giảm chi phí và thời gian cần thiết để có được sản phẩm. Thêm vào đó, nguyên liệu được sử dụng để sản xuất quần áo đòi hỏi sự khai thác các tài nguyên đất và nước, hoặc các nhiên liệu hóa thạch, trong khi carbon dioxide tiếp tục thải ra trong toàn bộ chuỗi cung ứng của quy trình sản xuất và một số thuốc nhuộm hóa học độc hại gây ô nhiễm nguồn nước. Nhiều nghiên cứu đã chỉ hiện ra rằng khi giặt quần áo trong máy giặt gia đình, các sợi vải có kích thước siêu nhỏ sẽ được giải phóng và dễ dàng đi qua các nhà máy xử lý nước thải vào tuyến đường thuỷ và thậm chí cả chuỗi thức ăn của con người và động vật.
Nền thời trang nhanh đang là thủ phạm hàng đầu gây tổn thất nặng nề tới môi trường và có khả năng dẫn tới hiện trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. (Ảnh: Lola Magazin)
Chính vì vậy, uỷ ban kiểm toán môi trường Anh Quốc (House of Commons) đã tổ chức khẩn cấp các cuộc điều tra vào hôm thứ Sáu vừa qua nhằm xác định những tác động của thời trang nhanh tại nước này, bao gồm việc sử dụng tài nguyên, ảnh hưởng của khí thải carbon từ quy trình sản xuất tại các nhà máy và đồng thời đo lường lượng nước ô nhiễm tích tụ trong suốt vòng đời của sản phẩm và chuỗi cung ứng.
“Trái Đất không đáng phải trả cái giá quá đắt vì thời trang”, Mary Creagh – chủ tịch ủy ban và thành viên của nghị viện Anh khẳng định. Nhưng bất chấp những tổn hại nặng nề về môi trường và tài nguyên thiên nhiên tại vương quốc Anh, ngành thời trang ở xứ sở sương mù vẫn tiếp tục phát triển đột biến, đóng góp 28,1 tỷ bảng Anh vào GDP quốc gia trong năm 2015 (tăng từ 21 tỷ bảng vào năm 2009) và chưa hề có dấu hiệu sụt giảm, theo ghi nhận từ Hội đồng thời trang Anh.
Những thương hiệu thời trang liên tục thay đổi mẫu mã và bày bán sản phẩm với mức giá bình dân đang tạo ra “cơn lốc” trong thị trường bán lẻ. (Ảnh: Handelsblatt Global)
Một báo cáo từ tổ chức Ellen MacArthur chỉ ra rằng nền kinh tế của vương quốc Anh đều phải tiêu tốn một khoản ngân sách khoảng 82 triệu bảng Anh hàng năm cho việc xử lý và chôn cất lượng rác thải khổng lồ từ ngành công nghiệp thời trang và hàng dệt may. Ngoài ra, bản báo cáo cũng cảnh báo rằng nếu ngành công nghiệp thời trang toàn cầu tiếp tục trên con đường phát triển hiện tại thì hơn một phần tư ngân sách hàng năm của thế giới có thể sẽ bị thâm hụt vào năm 2050.
NTK người Anh Stella McCartney lên án ngành công nghiệp thời trang hiện nay là “cực kỳ lãng phí và gây hại cho môi trường”. (Ảnh: Green Matters)
Ước tính khoảng 300 ngàn tấn chất thải từ ngành thời trang đi thẳng vào bãi chôn lấp mỗi năm, bất chấp những nỗ lực và rất nhiều chương trình hành động nhằm khuyến khích người tiêu dùng tái sử dụng quần áo thay vì chỉ mua những món đồ chạy theo xu hướng rồi nhanh chóng bỏ chúng vào đáy tủ. Vì vậy, chìa khóa cho cuộc điều tra này nhằm đưa ra những mối nguy hại của thời trang nhanh và từ đó nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trước khi Trái Đất tiến vào thời kỳ suy thoái chỉ để phục vụ cho nhu cầu tận hưởng thời trang.
(Ảnh: Getty Images)
Theo Elle