Menu Đóng

Tại sao 2018 là năm mà cộng đồng LGBT có nhiều sức ảnh hưởng đến thời trang?

Ngành công nghiệp thời trang hiện nay dường như không còn những bước cản trở mà dần hoà nhịp và cởi mở hơn với cộng đồng LGBT.

Lễ diễu hành Gay Pride của cộng đồng người đồng tính (LGBT) đã bắt đầu cuộc hành trình đầu tiên tại London vào ngày đầu tháng 7 năm 1972. Trong quá trình lịch sử 45 năm diễn ra sự kiện, những lá cờ nhuộm sắc cầu vồng tung bay ngợp trời chính là một biểu tượng cho niềm hy vọng, tính bền bỉ của cuộc đấu tranh kéo dài hàng thế kỷ để giành lại quyền bình đẳng và sự công nhận của cộng đồng LGBT.

Hàng ngàn người đổ ra đường để tham gia lễ diễu hành nhằm ủng hộ cộng đồng người đồng tính. (Ảnh: The Wild Reed)

Và trong thời đại phát triển ngày càng tiến bộ, đồng thời tư duy và nhận thức của con người về thế giới quan cũng dần thay đổi thì việc những hoạt động xã hội được đưa vào trong những khía cạnh của cuộc sống âu cũng là điều dễ hiểu. Thời trang cũng không phải ngoại lệ. Chính vì thế, khi xuất hiện những thiết kế thời trang bao phủ bởi sắc cầu vồng của cộng đồng người đồng tính trên sàn diễn thời trang thì đây chính là dấu hiệu chứng tỏ cuộc hoà nhập của ngành công nghiệp thời trang xưa nay vắng bóng những sự phân định rạch ròi.

BST chia tay thương hiệu Burberry của giám đốc sáng tạo tiền nhiệm Christopher Bailey dành để ủng hộ cộng đồng LGBT. Những thiết kế tràn ngập ánh cầu vồng rạng rỡ và dàn người mẫu sải bước trong ánh lục sắc là những điều để lại dấu ấn đáng nhớ. (Ảnh: Shutter Stock)

Mối liên hệ giữa cộng đồng LBGT và thế giới thời trang không phải là điều mới được khám phá, nhưng từ lâu họ đã không được nhìn nhận một cách rõ ràng trên các trang bìa tạp chí và cả trên sàn catwalk. Phát biểu với Queer Direct, Gaby Sahhar và đồng sáng lập Lily Cheetah Nicol của kênh truyền thông và chương trình nghệ thuật hỗ trợ cộng đồng LGBT nhấn mạnh rằng điều thiếu hụt trong ngành công nghiệp thời trang hiện hành chính là “sự công nhận và trao quyền cho những người phụ nữ, dân tộc thiểu số và cả người đồng tính”.

Tôi nghĩ rằng sự chấp nhận và nhận thức cởi mở chính là điều vô cùng quan trọng bởi vì cộng đồng của chúng tôi đã từ lâu không còn bị coi là nỗi ám ảnh hay sự đe doạ đối với một số nhóm người tiêu cực như trước kia. Đây cũng là vũ khí giúp chúng tôi giảm bớt những thương tổn khi phải xuất hiện trước đám đông“, Lily khẳng định.

BST Xuân – Hè của thương hiệu Art School; Người mẫu chuyển giới sải bước trong show diễn BST Xuân – Hè 2019 của thương hiệu Charles Jeffrey; Mẫu nam “mang thai” xuất hiện trên sàn diễn Xander Zou Xuân – Hè 2019.  (Ảnh: Hunger TV)

Nhưng sự thực thì một bước chuyển mình đã và đang diễn ra trong lĩnh vực thời trang, đặc biệt trong thời điểm năm 2018. Điển hình như NTK Charles Jeffrey – người đã từ chối tuân theo biểu tượng đặc trưng là lá cờ lục sắc, mà thay vào đó anh cùng những cộng sự tài năng từ cộng đồng LGBT đã tạo dựng một sàn diễn bao phủ bởi những thiết kế mang đậm dư dư vị màu sắc táo bạo và phá cách. Đây không chỉ là BST ủng hộ cộng đồng người đồng tính nói riêng mà kỳ thực dành cho tất cả mọi người bất kể tuổi tác, giới tính, chủng tộc hay nền văn hóa riêng biệt.

BST Thu – Đông 2018 được đặt tên “Loverboy” của NTK Charles Jeffrey thách thức mọi giới hạn. (Ảnh: Yannis Vlamos / Indigital.tv)

Ngoài ra, Charles Jeffrey còn kết hợp với thương hiệu Topshop và Topman để cho ra đời những mẫu áo phông được tạo dựng dưới bàn tay của 5 nghệ sĩ trong cộng đồng LGBT. Mỗi sáng tạo tượng trưng cho những quyền cơ bản mà họ khao khát đạt được. Đó là quyền được công nhận giới tính, quyền được kết hôn, quyền được cống hiến và cuối cùng là quyền riêng tư. (Ảnh: 10 Magazine)

Như vậy, thời trang phải hòa nhập và phản ánh những con người thực tế sống trong xã hội đó, thay vì chỉ tạo dựng những BST chạy theo xu hướng. Đích đến của những người làm thời trang không chỉ gói gọn trong doanh số hay tiếng vang mà chính là nguồn cảm hứng và động lực thúc đẩy cho sự cấp tiến của thời đại, thông qua tiếng nói và ngôn ngữ của nghệ thuật và sự sáng tạo. Cộng đồng LGBT và thời trang tưởng chừng như đã từng là hai yếu tố riêng biệt, nhưng giờ đây tất cả đang được dung hoà để tiến đến một bước phát triển và sự hội nhập đang dần được hình thành trong tương lai.

Kevin Amato – nhiếp ảnh gia và giám đốc tuyển chọn diễn viên tại New York khẳng định: “Bất kể mỗi người trong chúng ta đều có những tư duy thẩm mỹ riêng hoặc có lẽ nền văn hoá của chúng ta khác biệt nhưng chúng ta đều có thể liên kết với nhau bằng một sợi dây vô hình. Đó là niềm tin, sự chấp nhận và tôn trọng“. Thực vậy, không ai trong chúng ta phải chấp nhận sự phân biệt đối xử dù dưới bất kỳ hình thức nào. Mọi người trên thế giới đều xứng đáng được hưởng quyền bình đẳng, sự đối xử công bằng và quyền được mưu cầu hạnh phúc.

Theo Elle

Bài Viết Liên Quan