Đằng sau một thiết kế thời trang thủ công luôn là một câu chuyện và niềm cảm hứng đầy chất thi vị không dễ kiếm tìm ở quy trình sản xuất công nghiệp.
Trong ba ngày cuối tháng 12 năm ngoái, khoảng hơn 4 ngàn người đã đổ về The Theatre Centre ở Toronto để tham dự hội chợ City of Craft lần thứ 11. Đây là sự kiện được tổ chức theo quy mô lớn với hơn 60 gian hàng trưng bày các tác phẩm thủ công như gốm, điêu khắc và nhiều đồ trang sức bằng thuỷ tinh.
Theo đó, chuyên gia về xu hướng Etsy Dayna Isom Johnson chỉ ra rằng những món đồ thủ công đang có dấu hiệu lội ngược dòng: “Mỗi mảnh ghép đều ẩn chứa một câu chuyện riêng, dù rằng đó là từ quá trình thực hiện hay từ nhà sản xuất, tất cả đều tạo nên vẻ đẹp độc đáo cho các mặt hàng thủ công“.
(Ảnh: London Craft Week)
Không chỉ nở rộ trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, đây còn là xu hướng bùng nổ trong địa hạt thời trang sôi động. Gary Markle – chủ tịch bộ phận thủ công tại Đại học NSCAD ở Halifax nhận định rằng sự phát triển của sản phẩm thủ công đang gắn liền với sự gia tăng của phong trào DIY (quá trình tự tay xây dựng, sửa đổi mà không cần sự hỗ trợ của những chuyên gia).
“Hoạt động DIY tạo tiền đề giúp mọi giúp nhận thức và quý trọng sản phẩm lao động hơn, bởi vì họ cần phải tự bắt tay vào thực hiện mọi công đoạn của quá trình“, Markle bày tỏ quan điểm. Thực vậy, người mua hàng sẽ chẳng thể nào hiểu được công sức và nỗi vất vả của những thợ thủ công ngày đêm miệt mài để tạo ra các sản phẩm may mặc hàng ngày nếu họ không được tham gia vào quá trình sản xuất.
Nhiều thương hiệu cũng đang dần đánh giá cao tầm quan trọng và tính thẩm mỹ của những sản phẩm thủ công, chính vì thế giới điệu mộ đã được dịp chứng kiến các sáng tạo nghệ thuật đầy mới mẻ trên sàn diễn mùa mốt năm nay.
Nghệ thuật macramé (một hình thức thủ công của dệt may làm bằng thắt nút) xuất hiện trong BST Xuân – Hè 2018 của thương hiệu Jil Sander. (Ảnh: Kim Weston Arnold / Indigital.tv)
Hình thức patchwork (chắp nối các mảnh vải bằng phương pháp thủ công) được nhà mốt Dior trình diễn trong show diễn Xuân – Hè 2018. (Ảnh: Yannis Vlamos / Indigital.tv)
Còn trong sàn diễn giới thiệu BST Xuân – Hè 2018 của thương hiệu Dolce & Gabbana, thay vì chỉ đơn thuần in các hoạ tiết lên thiết kế, nhà sáng tạo đã tạo dựng cả một khu vườn xuân với hàng loạt cánh hoa bung nở rộn sắc và bao quanh một dải chi tiết được đính kết cầu kỳ. (Ảnh: Yannis Vlamos / Indigital.tv)
Danh sách những nhà thiết kế và thương hiệu đang dần hoà vào “cuộc chơi” thời trang thủ công vẫn đang tiếp diễn, và trong số đó phải kể đến nhà thiết kế Jonathan Anderson tại ngôi nhà thời trang Loewe. Ông là người đã tiên phong cho nguồn cảm hứng thời trang này và vào năm 2017, ông sáng lập giải thưởng thủ công Loewe (Loewe Craft Prize) nhằm vinh danh những thợ thủ công xuất sắc, góp phần định hướng nền thẩm mỹ hiện đại. “Ngày nay, khía cạnh thủ công không thể thiếu trong mọi lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là thiết kế và thời trang“, Anderson khẳng định.
NTK Anderson ứng dụng kỹ thuật thủ công trên các thiết kế trong BST Xuân – Hè 2018. (Ảnh: Yannis Vlamos / Indigital.tv)
Không chỉ Anderson hay những thương hiệu tên tuổi mà các NTK trẻ như Katie Jones cũng đã tạo dấu ấn riêng nhờ những mặt hàng may mặc tự làm và mang giá trị thẩm mỹ cao. Đối với Jones, điều này đóng góp cho sự thay đổi tích cực đến môi trường, giảm thiểu những tác hại và đồng thời thúc đẩy sự giải phóng khỏi những hạn chế so với quy trình sản xuất truyền thống.
Thay vì quá trình sản xuất tốn kém, Jones bán những mẫu vải và dụng cụ để người sử dụng có thể tự tay sáng tạo những sản phẩm thời trang thủ công của riêng họ. (Ảnh: @katiejonesknit)